• Tiếng Việt
  • English

Phát triển gạch không nung: Bài 2 – Thực trạng sản xuất và nhu cầu thị trường

Phát triển vật liệu xây không nung để thay thế dần gạch đất sét nung là một chủ trương đúng của Chính phủ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung vẫn chưa như kỳ vọng và “đích” tới vẫn còn nhiều gian nan.

Tham quan sản phẩm gạch không nung của Công ty TNHH Hưng Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Rất ít người biết sản phẩm gạch không nung

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước có khoảng 41 doanh nghiệp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và cung ứng thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung ra thị trường. Các doanh nghiệp trong nước tập trung chủ yếu dây chuyền sản xuất gạch bê tông cốt liệu, còn các dây chuyền gạch AAC, gạch bê tông bọt… chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài. Tỉ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình đang từng bước có sự tăng “nhẹ” nhưng mức tăng này vẫn không đạt mục tiêu đề ra của Chương trình phát triển gạch không nung đến năm 2020.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Hiệu quả phát triển gạch không nung của các doanh nghiệp chưa cao, nhận thức của chủ đầu tư dự án trong việc sử dụng vật liệu xây không nung chưa đầy đủ… cũng là một trong những khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm gạch không nung.

Tại hội thảo “Chính sách và tiêu chuẩn khuyến khích chế tạo thiết bị gạch không nung trong nước” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thuộc dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, ông Đào Danh Tùng, Vụ Vật liệu xây dựng đã nêu rõ thực trạng năng lực các cơ sở chế tạo thiết bị sản xuất gạch không nung trong nước cũng như thực trạng sản xuất gạch không nung tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và tiêu chuẩn khuyến khích chế tạo, sử dụng thiết bị sản xuất gạch không nung trong nước.

Theo báo cáo của Vụ Vật liệu xây dựng, tính đến đầu năm 2017, cả nước có hơn 2.000 dây chuyền sản xuất gạch bê tông cốt liệu, với tổng công suất thiết kế khoảng 5.6 tỉ viên QTC/năm (trong đó 144 dây chuyền có công suất thiết kế hơn 10 triệu viên QTC/năm). Dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp có 15 dây chuyền nhập khẩu toàn bộ, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc với công suất từ 100.000-200.000 m3/năm, tổng công suất thiết kế 1,34 ti viên QTC/năm. Số dây chuyền sản xuất gạch bên tông bọt đã đầu tư vào sản xuất là 17 dây chuyền với tổng công suất hơn 389.000 m3. Như vậy, tổng sản lượng gạch xây không nung khoảng 6,8 tỉ viên, tương đương khoảng 26% so với tổng sản lượng vật liệu xây.

Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật cho rằng: Gạch không nung chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam, thậm chí rất ít người biết đến thuật ngữ hay sản phẩm gạch không nung, đặc biệt là khu vực nông thôn. Vì vậy, dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” nhằm góp phần nhân rộng mô hình, công nghệ sản xuất gạch không nung, đồng thời, nâng cao hiểu biết và tăng tỉ lệ sử dụng gạch không nung trong thời gian tới.

Nhu cầu lớn nhưng phát triển khó

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng nói chung, vật liệu xây không nung nói riêng còn rất lớn nhưng vật liệu xây không nung chưa được phát triển và đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. Nguyên nhân của thực trạng này được các bộ, ngành và địa phương đánh giá là do ảnh hưởng từ thói quen tiêu dùng của người dân và nhận thức chủ đầu tư chưa đầy đủ vẫn thích sử dụng gạch nung đất sét có màu đỏ tươi.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng gây “cản trở” trong phát triển gạch không nung là giá thành sản phẩm cao hơn sử dụng gạch đất sét nung, vì vậy, việc sử dụng và phát triển gạch không nung không đạt mục tiêu đề ra, khó khăn trong quá trình thực hiện chủ trương sử dụng gạch không nung thay thế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn gạch nung. Tuy nhiên, cần nhìn nhận, sử dụng vật liệu xây không nung sẽ đem lại nhiều lợi ích như: Kết cấu công trình nhẹ và đặc biệt là việc mang lại các lợi ích về môi trường… Thực tế này, đòi hỏi các các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” được thực hiện trong thời gian 5 năm (2014-2019), đến nay dự án đã đạt được một số kết quả bước đầu như: số lượng doanh nghiệp sử dụng dây chuyền sản xuất gạch không nung có bước “tăng trưởng”, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất vật liệu gạch không nung, nhận thức nhiều địa phương có sự thay đổi và từng bước tiếp cận dự án, thúc đẩy phát triển gạch không nung tại địa phương.

Trước thực tế nhu cầu sử dụng gạch không nung lớn nhưng phát triển khó do nhiều nguyên nhân, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định: Với vai trò là cơ quan chủ trì và Bộ Xây dựng là cơ quan đồng thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Xây dựng và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất gạch không nung, đầu tư và nhân rộng công nghệ sản xuất gạch không nung thời gian tới.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng, cần có thêm các chính sách khuyến khích nhà sản xuất, chủ đầu tư công trình sử dụng vật liệu xây không nung, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm, giải pháp sử dụng gạch không nung trong các công trình sử dụng vốn ngân sách… có như vậy, vật liệu xây không nung mới sớm “từng bước” thay thế dần gạch đất sét nung.

Theo baotintuc.vn

Các bài khác

Copyright © 2024 Tập đoàn HB. Bảo lưu mọi quyền | Designed by MCMS