Theo tính toán, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) cả nước đến năm 2020 khoảng 33 tỷ viên. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch nung phải tiêu tốn 1,5 triệu m3 đất sét (tương đương 75ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 150.000 tấn than và thải ra môi trường 0,57 triệu tấn CO2. Như vậy, đến năm 2020, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường.
Hoàn thiện chính sách về vật liệu xây không nung
Do đó, sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung (VLXKN) là một chủ trương đúng đắn nhằm giảm thiểu tác hại của gạch nung, bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Thực tế thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hàng loạt chính sách để triển khai thực hiện chủ trương này. Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 28/11/2012 (gọi tắt là Chương trình 567 và Chỉ thị 10) về tăng cường triển khai chương trình sản xuất, sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng tài nguyên đất sét, nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất gạch đất sét nung; ưu tiên chọn những công nghệ tiên tiến, phù hợp, có khả năng cơ giới hóa và tự động hóa cao, giảm lao động thủ công; sử dụng tối đa nguồn phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, đá mạt; phát triển các loại vật liệu xanh, công trình xanh…
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ VLXKN như thể chế hóa việc sử dụng VLXD tại Luật Xây dựng 2014 và hoàn thiện các chế tài xử phạt việc vi phạm các quy định về sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng tại Nghị định 121/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; ban hành Thông tư 13/2017-TT-BXD ngày 08/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng thay cho Thông tư 09/TT-BXD về sử dụng VLXKN cho phù hợp với từng vùng miền.
Bộ Xây dựng đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 về việc ban hành danh mục vật tư làm nguyên liệu sản xuất VLXKN và thiết bị cho dây chuyền sản xuất VLXKN được miễn thuế nhập khẩu…
Thông tư 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 16 về sản phẩm hàng hóa VLXD, trong đó có quy định VLXKN bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
Hoàn thành dự thảo Quyết định Ban hành định mức xây dựng sử dụng VLXKN, riêng thành 1 tập bổ sung 156 định mức vào danh mục 163 định mức đã ban hành cho tất cả các loại VLXKN đã đưa ra thị trường đến thời điểm này…
Từng bước thay thế vật liệu nung
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau 6 năm thực hiện chương trình phát triển VLXKN, các doanh nghiệp, đặc biệt là doang nghiệp tư nhân đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm VLXKN đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa sản phẩm, nên tới nay về tổng công suất đã đạt được mục tiêu mà chương trình đề ra.
Đặc biệt, Cty Gạch Khang Minh (Hà Nam) đã đầu tư 6 dây chuyền sản xuất gạch bê tông với tổng công suất 270 triệu viên QTC/năm, Cty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp. Một số công trình đã sử dụng 80 – 100% VLXKN như Dự án khu nhà ở xã hội Ecohome, Dự án nhà ở thương mại tại ngõ 102 Trường Chinh – Hà Nội.
Trong 6 năm qua đã có hàng chục cơ sở chế tạo thiết bị được đầu tư nâng cấp và ra đời như Cty Thanh Phúc ở Hải Phòng, Cty DMC ở Hải Dương, Cty Trung Hậu ở TP HCM…
Đánh giá việc triển khai chương trình tại các địa phương, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) nhận định, các cấp chính quyền của các địa phương đã chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung; tăng cường chỉ đạo khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ VLXKN. Đến nay đã có 57 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch xóa bỏ lò thủ công; 27 tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Toàn quốc đã có hơn 1.500 dây chuyền công suất 7 triệu viên/năm và hơn 100 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất 7 – 40 triệu viên/năm.
Dẫn chứng tại tỉnh Kon Tum cho thấy, mới đây nhất, ngày 7/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 584-KH/UBND về việc phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn .
Theo đó, phát triển gạch không nung, từng bước thay thế gạch thủ công, tiến tới chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công là mục tiêu của tỉnh. Nhằm cụ thể hoá mục tiêu này, theo kế hoạch, năm 2018, toàn tỉnh sẽ giảm 107 lò gạch thủ công với sản lượng gạch sét nung giảm 38,57 triệu viên; năm 2019 sẽ giảm tiếp 72 lò với sản lượng giảm 26,67 triệu viên; năm 2020 sẽ giảm thêm 67 lò nữa với sản lượng giảm 24,79 triệu viên và đến năm 2025 sẽ xoá bỏ toàn bộ lò gạch thủ công.
Song song với việc cắt giảm lượng gạch đất sét nung thủ công, tỉnh Kon Tum đặc biệt chú trọng đến việc phát triển gạch không nung. Theo đó, cùng với các doanh nghiệp hiện có, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai 7 dự án đã được các doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư, đảm bảo đến năm 2020 đạt sản lượng 150 triệu viên. Tại tất cả các địa phương đều có các dây chuyền sản xuất gạch không nung để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Để thúc đẩy thực hiện Quyết định số 567 của Chính phủ về Chương trình phát triển VLXKN, Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức thực hiện tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 19/9/2014, đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Xây dựng rà soát lại tình hình thực hiện Chương trình 567 về các chính sách, tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện các chính sách, soát xét xây dựng khung các nhiệm vụ về xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật và hoàn thiện 03 tiêu chuẩn sản phẩm gạch không nung. Hoạt động này góp phần hoàn thiện khuôn khổ chính sách và tiêu chuẩn để đưa sản xuất và sử dụng gạch không nung vào thực tiễn một cách có hiệu quả, bền vững.
Thực tế trên cho thấy, chương trình sử dụng VLXKN đã nhận được sự vào cuộc của các cấp, các ngành và doanh nghiệp. Kết quả đó cũng khẳng định, sản xuất và sử dụng VLXKN là hướng đi không thể trì hoãn để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.