Theo thông tin từ Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), trong tháng 6 năm 2018 do giá nhiên liệu đầu vào tăng dẫn đến giá xi măng tăng trung bình 20.000 đồng/tấn so với thời điểm cuối tháng 5/2018. Đồng thời, do thị trường xi măng Trung Quốc dư thừa khoảng 670 triệu tấn, dẫn đến nhiều áp lực và sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường xuất khẩu xi măng Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục quản lý giá, hiện giá xi măng trung bình tăng lên khoảng 20.000 đồng/tấn so với thời điểm cuối tháng 5/2018. Nguyên nhân cơ bản là do giá nhiên liệu đầu vào như than và giá điện đều tăng. Giá bán trung bình của một số chủng loại xi măng như bao PCB30 là 1,18 triệu đồng/tấn, PCB40 là 1,34 triệu đồng/tấn. Tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá bán lẻ dao động ở mức khoảng 11.500 – 14.800 đồng/kg, tại các tỉnh miền Nam khoảng 11.600 – 15.700 đồng/kg.
Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, thị trường xi măng Trung Quốc hiện đã dư thừa ra khoảng 670 triệu tấn, do đó càng làm cho sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường xuất khẩu xi măng Việt Nam thêm nhiều áp lực và gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp xi măng. Ngay tại các thị trường đang xuất khẩu truyền thống như Philippines và Bangladesh, việc tiêu thụ sản phẩm xi măng của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp khó do sự cạnh tranh.
Bên cạnh đó, hiện một số nước trong ASEAN đang tiếp tục đầu tư phát triển xi măng. Đơn cử như trước đây, Indonesia là nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam, nhưng nay họ đã vươn lên xuất khẩu mặt hàng này, và từ năm 2017 trở đi sẽ tiếp xuất khẩu trên 3 triệu tấn mỗi năm.
Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xi măng và clinker lại đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn khi chi phí xuất khẩu tăng vọt từ 3 – 5 USD/tấn clinker và tăng từ 6 – 7,5 USD/tấn xi măng.
Theo đại diện của Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, từ nay đến hết năm 2018, doanh nghiệp xi măng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhất là đối với khâu xuất khẩu do dư thừa nguồn cung và sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ. Hiện nay, trong điều kiện xuất khẩu đang gặp khó khăn thì trước tiên các công ty phải tính đến thúc đẩy tiêu thụ nội địa, sau đó mới tính đến nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới xuất khẩu lâu dài tại một số nước trên thế giới.
Đại diện Vụ vật liệu xây dựng (Bộ xây dựng) cho biết. Tới đây Bộ xây dựng sẽ cùng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy sử dụng các sản phẩm xi măng cho các chương trình công ích như làm đường bê tông, vật liệu không nung dùng cho nghành xây dựng,… để gia tăng sức tiêu thụ trong nước. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2018, sẽ không đưa thêm một dây chuyền sản xuất xi măng nào vào hoạt động nhằm tăng thêm nhu cầu cho thị trường xi măng Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Tuyết Thùy – Doanhnghiepvietnam