• Tiếng Việt
  • English

Gạch kính – Sự trở lại của những năm 80

Trong tâm trí của những người sinh ra và lớn lên trong những năm 80, gạch kính có lẽ là sản phầm không hề xa lạ với bất kỳ ai. Gạch kính có thể nói là một đặc trưng tiêu biểu trong nội thất của những năm cuối thế kỷ XX. Hơn thế nữa, trong thời gian gần đây, loại vật liệu này dường như đang trở lại và đón đầu xu thế một cách mạnh mẽ.

Gạch kính – sự hoài cổ của những năm 80.

Vậy, gạch kính là gì và tại sao chúng lại chiếm được vị trí mạnh mẽ giữa muôn vàn xu hướng hiện đại ngày nay, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về loại vật liệu lạ lùng này nhé.

Tính chất và công dụng

Gạch kính (hay Glass Block) là một loại gạch đặc biệt được sử dụng chủ yếu trong việc lấy sáng và được đánh giá là một trong nhiều loại vật liệu với tính năng tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên, để trở thành loại vật liệu mang tính xu hướng, vật liệu này còn sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội riêng biệt.

Được làm từ thủy tinh với lớp chân không bên trong, gạch kính mang ưu điểm cách âm, cách nhiệt và chống thấm vô cùng tối ưu. Bên cạnh đó, mặc dù là thủy tinh, nhưng chúng lại sở hữu độ chắc chắn không thua kém bất kỳ loại gạch nào khác nhờ sức nén cao trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, với bề mặt mang ưu điểm không bám dính nên việc vệ sinh gạch kính là vô cùng dễ dàng.

Ứng dụng của gạch kính

Bên cạnh nhiều ưu điểm đáng kể về công năng sử dụng, gạch kính còn được nhiều nhà thiết kế ưa chuộng bởi những mẫu mã đa dạng trong màu sắc cũng như bề mặt vật liệu.

Gạch kính được tận dụng làm vách ngăn trong không gian.

Gạch kính với màu sắc đa dạng.​

Trước đây, loại vật liệu này thường được sử dụng làm các vách tường phòng tắm hoặc thay thế cho những hàng bông gió để lấy ánh sáng trời. Tuy nhiên, với sự trở lại gần đây, gạch kính đã được biến tấu nhiều hơn trong các thành phần nội thất.

Gạch kính được tận dụng làm vách ngăn thấp, phân chia nhiều khu vực trong không gian dịch vụ.

Toàn bộ hệ thống mặt tiền của công trình được sử dụng gạch kính. 

Gạch kính được tận dụng để lấy sáng toàn diện, tạo sự kết nối với không gian bên ngoài.​

Bên cạnh những nhiệm vụ cơ bản, các nhà thiết kế đã tận dụng gạch kính để tạo nên nhiều vách ngăn trong không gian nội thất hay thậm chí là các hệ mặt tiền độc đáo. Với sự xuất hiện của gạch kính, không gian trở nên thông thoáng, sáng sủa và tươi mát hơn với khoảng nhìn được che mờ nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được nhu cầu phân vùng từng khu vực chức năng.

Sự kết hợp của gạch nung và gạch kính.

Đồng thời, qua việc sở hữu nhiều mẫu mã về màu sắc và bề mặt, gạch kính còn được tận dụng làm những mảng tường trang trí với quan điểm vẻ đẹp thẩm mỹ đến từ chính vật liệu nguyên bản mà không cần phải qua nhiều bước hoàn thiện. Đặc biệt hơn, một số công trình độc đáo còn tận dụng gạch kính để biến tấu hệ thống mặt tiền với mục đích lấy sáng toàn diện và tạo nên một không gian đương đại từ loại vật liệu hoài cổ.

Có thể thấy, sự trở lại mạnh mẽ và chiếm dần lấy xu thế xã hội đương đại của loại vật liệu đến từ những năm 80 này là hoàn toàn có lí do. Gạch kính đã đáp ứng được rất nhiều tiêu chí mà không phải loại vật liệu nào cũng có thể đạt được: sự đương đại, nét thẩm mỹ, tính tiết kiệm, bền vững và vẻ độc đáo.

Theo VLXD.org (TH)

Các bài khác

Copyright © 2025 Tập đoàn HB. Bảo lưu mọi quyền | Designed by MCMS