• Tiếng Việt
  • English

Cuối năm: Dự báo lượng thép tiêu thụ sẽ tăng cao

Theo thông lệ hàng năm, cứ đến tháng 7, các công trình xây dựng đình trệ do ảnh hưởng mưa nhiều, khiến cho sản phẩm thép các loại tiêu thụ giảm nhẹ. Tuy nhiên, kéo lại là sản phẩm thép xây dựng tiêu thụ vẫn giữ được mức ổn định và tăng nhẹ so với tháng 6.

Cụ thể, các sản phẩm thép tiêu thụ trong tháng 7/2018 đạt 1.521.096 tấn, tăng 1% so với tháng 6, nhưng giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, xuất khẩu đạt 342.918 tấn, tăng nhẹ so với tháng 6, nhưng tăng 3,4% so với tháng 7/2017.

Riêng đối với mảng thép xây dựng tiêu thụ tăng trưởng khá hơn. Cụ thể, tiêu thụ trong tháng 7/2018 đạt 841.040 tấn, tăng 8% so với tháng 6/2018, nhưng lại giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đối với mảng ống thép hàn, trong tháng 7/2018 tiêu thụ chỉ đạt 189.859 tấn, giảm 13,29% so với tháng 6, và giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đạt 29.403 tấn, giảm 7,6% so với tháng nhưng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ ống thép hàn giảm, sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tiêu thụ trong tháng 7 cũng giảm, chỉ đạt 316.841 tấn, giảm 2,09% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm 2017 cũng giảm tới 6,5%.

Đối với mảng thép cuộn cán nguội, tiêu thụ đạt 173.356 tấn, giảm 6,54% so với tháng 6/2018 và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu thép cuộn cán nguội tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt 69.138 tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thép cuộn cán nóng tiêu thụ đạt 284.350 tấn.

Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép đã nỗ lực hết mình, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết dẫn tới các công trình xây dựng chậm lại, kéo theo các sản phẩm thép tiêu thụ cũng gặp khó.

Ngoài ra, đối với nhập khẩu, tính đến hết ngày 30/6/2018, Việt Nam nhập khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại đạt hơn 8,18 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6,64 tỷ USD, giảm lần lượt 7,9% về lượng và 19,2% về giá trị nhập khẩu. Nếu tính riêng 6 tháng, Việt Nam nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc xấp xỉ 3,246 triệu tấn, giảm 17,85% về lượng, nhưng tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Thực tế cho thấy, tỷ trọng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 47% trong tổng sản lượng thép nhập khẩu về Việt Nam. Tiếp đó là Nhật Bản chiếm 16,2%, Hàn Quốc 13,1%, Đài Loan 11,2%, Nga 3,65%…

Về xuất khẩu, tính đến hết 30/6/2018, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt trên 3,5 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng lần lượt 30% về lượng và tăng 42% về giá trị xuất khẩu. Để có được con số khả quan đó thì thị trường ASEAN là tiềm năng nhất, với lượng xuất khẩu thép thành phẩm gần 1,6 triệu tấn, chiếm gần 57% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ 15,6%, EU 10,2%, Hàn Quốc 4,7%, Đài Loan 3,15%.

Nhận định thị trường thép từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, thị trường thép tiêu thụ từ nay tới cuối năm 2018 tiêu thụ có phần thuận lợi hơn do kinh tế Việt Nam phát triển tốt nên nhu cầu tiêu thụ thép tăng theo. Điều thuận lợi hơn là 80% sản lượng thép tiêu thụ tại thị trường nội địa nên việc các nước đang áp dụng phòng vệ thương mại cũng không mấy ảnh hưởng. Chính vì vậy, từ nay tới cuối năm sản lượng thép tiêu thụ sẽ tăng hơn.

Theo VLXD.org (TH/ Xã luận)


Các bài khác

Copyright © 2025 Tập đoàn HB. Bảo lưu mọi quyền | Designed by MCMS